Thiền

 

Yuval Noah Harari

là 1 tác giả kiệt suất về thể loại lịch sử - triết học. Ông là tác giả của bộ 3 cuốn sách rất nổi tiếng : “Sapiens” (Lược sử loài người), “Homo Deus” (Lược sử tương lai), và “21 bài học cho thế kỷ 21”.

Ông là 1 sử gia, 1 triết gia, 1 nhà khoa học với lối tư duy logic độc đáo, với giọng văn uyển chuyển và thú vị.

Tại sao tôi lại nhắc tới Harari trong 1 bài viết về thiền ? Có 1 sự liên quan rất thú vị, Harari cũng là 1 người thực hành thiền.

Trong chương cuối cùng, chương 21 của cuốn “21 bài học cho thế kỷ 21”, ông dành riêng cho thiền. Với ông, thiền không bao giờ mâu thuẫn với khoa học. Thiền còn là 1 liều thuốc, 1 công cụ tuyệt vời để tìm hiểu về tâm trí của chính mình.

Ngoài Harari ra, ta có thể kể rất nhiều những cái tên hành thiền mỗi ngày, đó là thiên tài Albert Einstein, là Oprah Winfrey, là Madonna, là Ivanka Trump.

Thiền

là tên gọi chung của các phương pháp tập luyện để quan sát tâm trí mình 1 cách có hệ thống. Chúng ta hay liên tưởng thiền với các tôn giáo và thần giáo. Nhưng hoàn toàn không phải. Rất nhiều tôn giáo sử dụng thiền như 1 công cụ. Điều đó không có nghĩa là thiền sẽ liên quan tới tôn giáo. Tất cả các tôn giáo đều dùng sách vở để truyền lại, nhưng như thế đâu có nghĩa là sách vở sẽ liên quan đến tôn giáo.

Những cái ghế không có tựa tay

Thỉnh thoảng lại có bạn hỏi tôi, là tại sao ghế anh ngồi lại không có tựa tay. Thực ra là do tôi tháo ra, để tôi có thể ngồi khoanh chân trên ghế 1 cách thoải mái hơn. Khi ngồi ở tư thế đó, tôi cảm thấy tập trung và sáng suốt hơn hẳn.

Tôi đến với thiền rất tình cờ. Khi còn là sinh viên, tôi được tặng cuốn sách “8 phút thiền”. Lúc đầu cũng không để ý lắm, nhưng về sau, trong những người cô đơn nhất ấy, tôi đã đọc và thực hành thiền. Nhưng như bao con người luôn hối hả, tôi không thể ngồi lâu, và không thể duy trì được thói quen đó.

Mãi gần đây, khi rơi vào cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, khi tôi buộc phải tìm cách trả lời chính mình, rằng lý do tôi thức dậy mỗi buổi sáng là gì? thì tôi mới quay lại với thiền.

Khi đọc những cuốn sách về nhân sinh, đọc những trải nghiệm về thiền như của Harari, tôi mới thực lòng suy nghĩ nghiêm túc về việc thực hành thiền định mỗi ngày.

Tôi chỉ là 1 kẻ sơ cấp trong thiền. Tôi đến với thiền vì muốn tập trung hơn, muốn mình kiểm soát tâm trí tốt hơn, muốn hiểu về chính mình hơn.

Nhật Bản

là nơi tôi học, nơi tôi dành 8 năm tuổi trẻ. Trong mắt tôi, Nhật Bản luôn là đất nước đẹp, nhưng buồn.

Trong tiếng Nhật có 1 từ, wabi sabi 侘び寂び, có thể hiểu đơn giản là vẻ đẹp của sự bất toàn, là vẻ đẹp của sự chấp nhận “mọi việc như nó vốn thế”. 1 cái cốc đã vỡ, thì không thể trở lại như trước, nhưng hãy dùng những mảnh vỡ đó, ghép lại, để tạo thành 1 vẻ đẹp bất toàn.

Trong cuốn “Thiền” của Osho, 1 nhà huyền môn nổi tiếng, ông có giải thích về thiền được sinh ra ở Ấn Độ, lớn lên ở Trung Hoa, và nở hoa ở Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, thiền đã đi xa khỏi khởi đầu của nó, tiếp thu nhiều biểu lộ mới, nhiều khám phá mới, nhiều phương hướng mới, để rồi nó trở thành đỉnh cao. Đỉnh cao là có thể sử dụng bất cứ thứ gì để tìm ra chân lý.

Người Nhật đưa thiền vào trong cuộc sống hàng ngày. Dù bạn đang làm gì - khi đang bổ củi, bạn cũng có thể là 1 thiền nhân; khi đang gánh nước, bạn cũng có thể là 1 thiền nhân - thiền định chỉ đơn giản là 1 sợi chỉ im lặng, là sự lắng nghe chính tâm trí mình.

Ở đây, tôi nghĩ đến thầy Thích Nhất Hạnh, với 2 khái niệm quán và chỉ. Quán là dừng lại, chỉ là tập trung vào. Cuộc sống giống như 1 bánh xe quay không ngừng. Muốn quan sát nó, muốn hiểu nó, việc đầu tiên ta phải làm là dừng nó lại. Sau đó đi sâu vào tìm hiểu nó.

Thiền nhân

không thể tách rời khỏi cuộc sống. Thiền nhân không phải người sống xa xã hội, gia đình. Thiền nhân cũng không phải người đặc biệt hay quái dị. Họ chỉ là 1 người bình thường, đơn giản là muốn ngồi xuống, quan sát tâm trí mình.


Bài viết thể hiện góc nhìn của bản thân với thiền. Để mẹ, chị, vợ, con, và những bạn bè xung quanh tôi không cảm thấy lo lắng cho tôi.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao lại phải viết ?

Kỷ Luật

Nền kinh tế sự chú ý