Kỷ Luật
Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng 1 trong 2 nỗi đau : nỗi đau do kỷ luật hoặc nỗi đau do hối tiếc.Sự khác biệt là kỷ luật nhẹ tựa lông hồng và hối tiếc nặng tựa núi cao. Kỷ luật là cây cầu kết nối giữa mục tiêu và thành quả.
Jim Rohn
Tôi là thế hệ 8x đời cuối, là thế hệ mà khi ra trường thì ngành CNTT cũng bùng nổ, nên cũng có thể coi là thế hệ chín muồi về công việc.
Cùng sự bùng nổ về dot-com, thì những dev như chúng tôi được công ty đãi ngộ rất tốt :
- lương-thưởng cao hơn
- thời gian linh hoạt hơn
- mối quan hệ sếp-nhân viên cũng thoải mái hơn
- quan trọng là hoàn thành công việc, còn trong thời gian trên công ty thì làm gì cũng được
Buổi sáng tôi chưa có hứng thú làm việc, tôi có thể lướt FB, Twitter, … rồi khi chiều tối, tôi sẽ làm bù. Ở Nhật thì việc overtime là đương nhiên. Trong bộ phận của tôi, thì chuyện mỗi người 2 cái màn hình, 1 cái để code, 1 cái để xem twitter, FB là điều dễ thấy.
Tôi nghĩ hầu hết dân IT đều nghĩ giống tôi.
Nhưng, từ đó nảy sinh ra cái tính là vô kỷ luật. Tôi vẫn luôn biện hộ, rằng chúng tôi làm công việc đầu óc, sáng tạo, cần sự thoải mái về tinh thần để làm việc.
Tôi coi lập trình giống như 1 môn nghệ thuật. Viết 1 đoạn mã hay, cũng giống như làm 1 bài thơ vậy. Và người lập trình cũng là 1 nghệ sĩ.
Nhưng …
Có 1 quan điểm phổ biến cho rằng các nghệ sĩ luôn làm việc theo cảm hứng - họ biết phải tìm 1 cú đánh thức tỉnh, 1 tia chớp hay bong bóng sáng tạo ở đâu. Nhưng tôi hi vọng [công việc của tôi] có thể chứng minh được rằng chờ đợi cảm hứng xuất hiện là 1 kế hoạch tồi tệ. Trên thực tế, có lẽ lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra cho bất kỳ ai đang cố gắng thực hiện những công việc liên quan tới sáng tạo là hãy bỏ qua cảm hứng.
Mason Currey
[Những bộ óc sáng tạo tuyệt vời] sẽ tư duy như 1 nghệ sĩ và làm việc như 1 kế toán viên.
David Brooks
Điều này liên quan chặt chẽ tới thói quen, kỷ luật của những người thành công. Kỷ luật sẽ tạo ra thói quen. Thói quen sẽ tối ưu hoá hiệu suất làm việc.
Sau này đi làm nhiều hơn, lên những vị trí cao hơn, gặp những con người thú vị, tôi mới hiểu sâu sắc về điều này.
Những dev xuất sắc nhất tôi gặp, họ đều có thói quen dậy đúng giờ, chuẩn bị mọi thứ giống nhau cho mỗi ngày. Kỷ luật giúp họ không mất thời gian, năng lượng để lựa chọn, để họ dành những điều đó cho công việc.
Nghĩ xem, 1 buổi sáng thức dậy, bạn thấy mệt mỏi trong người. Bạn sẽ phải nằm thêm 5 phút, tự đấu tranh với chính bản thân, xem là có nên dậy và đi làm không, hay nhắn tin cho sếp nói hôm nay em mệt, hoặc em có việc em xin đến muộn 1 tiếng.
Bạn chọn phương án 2. Vì nó dễ dàng hơn. Bạn thoải mái nằm xuống, ngủ thêm 1 tiếng nữa. 1 tiếng sau, bạn dậy, và chắc chắn là cũng không khoẻ khoắn hơn đâu.
Rồi sự vô kỷ luật ở chỗ này, sẽ kéo theo sự vô kỷ luật ở chỗ khác. Nó bào mòn lòng tự trọng và quyết tâm của chúng ta.
Khi chán nản, điều đầu tiên ta nghĩ đến là, “hãy đợi cảm hứng đến, khi cảm hứng đến, tôi có thể làm bù lại được”. Nhưng, đó là 1 kế hoạch tồi tệ.
Khi làm tuyển dụng, tôi mới nhận thấy, ngành CNTT không thiếu nhân-lực, mà chỉ thiếu nhân-lực-chất-lượng-cao.
Trong thời đại 4.0, giá trị của 1 người thể hiện qua 2 khả năng cốt lõi :
- Khả năng nhanh chóng nắm bắt những vấn đề khó
- Khả năng tạo ra những sản phẩm ở mức độ cao cấp, xét cả về chất lượng và thời gian.
Những người có 2 khả năng này, là những người không thể bị thay thế trong công ty, là tài sản quý giá nhất của 1 công ty.
Những người như thế, họ không cần “cảm hứng” để nắm bắt vấn đề khó, họ có thừa kỷ luật để luôn nghiêm khắc với chính mình, để đẩy giới hạn của bản thân lên mức cao nhất, và tạo ra giá trị thứ 2.
Kỷ luật là nền tảng của 1 con người. Nó giúp con người phát huy tối đa năng lực của bản thân, phá vỡ giới hạn để đạt tới những đỉnh cao hơn.
Là 1 dev, tôi, các bạn cũng là 1 con người. Chúng ta không cần cảm hứng, không cần sự dễ dãi. Chúng ta cần kỷ luật để phát triển bản thân.
(*) Bài viết tham khảo rất nhiều ý trong cuốn sách “Deep Work” của Cal Newport.