Đông Du trong tôi là : Thời đại học

 Tôi vào đại học với 1 tâm trạng của kẻ thất bại.


Tuổi trẻ tôi là một kẻ tự phụ, mà bây giờ nghĩ lại, hay nói là “nỗi bất hạnh của kẻ đạt thành công khi còn quá trẻ”. Để rồi suốt ngày chỉ nghĩ tới thành công trong quá khứ, kiêu ngạo nghĩ rằng mình giỏi, mình sẽ tiếp tục thành công. Để khi thất bại, lại cay cú, bất mãn cho rằng vấn đề là của số phận, xã hội đã phản bội mình.

Ngày ấy, tôi đăng kí thi vào 3 trường đại học bên Nhật. Rất kiêu ngạo, tôi lựa chọn 3 trường gần như là cao nhất. Chỉ có 1 trường, chỉ cần nộp hồ sơ xét tuyển là được. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình cũng chẳng mất công đi lại, chỉ mất chút tiền nộp hồ sơ, nên tôi cũng làm 1 bộ và gửi đi.

Và bạn cũng đoán được, tôi trượt cả 3 trường tôi đi thi, và chỉ may mắn đỗ vào trường mà tôi đã nộp hồ sơ.

Tôi vẫn nhớ, cái buổi tối tôi ngồi khóc nức nở trong nhà ga Tsukuba khi biết tin mình trượt trường cuối cùng.

Tôi vẫn nhớ cảm giác chán nản, hổ thẹn khi ngồi trên xe bus đến ngôi trường ở nơi xa xôi hẻo lánh, tận xứ tuyết Nagaoka - Niigata.

Tôi vẫn nhớ đêm đầu tiên ở đó, không người thân quen, đồ đạc do gửi takkynbin nên ngày hôm sau mới đến, tôi phải lấy hết tất cả quần áo mang theo ra để mặc vào, rồi ngủ trên cái sàn nhà lạnh lẽo. ( tháng 3 ở Nagaoka vẫn còn tuyết ).

Tôi vẫn nhớ, tôi nói với sempai của mình 1 câu rất đáng hổ thẹn : “năm sau em sẽ thi lại trường khác”.

Ngày đó, tôi nghĩ mình đã thất bại. Nào tôi có biết, đó là 1 sự may mắn trong cuộc đời.


Trường Nagaoka có rất đông học sinh quốc phí, những anh chị học thạc sĩ, tiến sĩ ở trường. Rồi các bạn học chương trình liên kết đào tạo từ Bách Khoa Hà Nội, Bách Khoa Đà Nẵng, và đông nhất là Bách Khoa tp HCM.

Tại chốn “khỉ ho cò gáy” ấy, tôi đã quen được với những người anh em rất chân thành. Ngày đó chúng tôi gọi đó là “làng”. Anh em đều quen biết nhau, đều chơi với nhau, và đều giúp đỡ nhau khi cần.

Tại cái chốn ấy, tôi được các anh chị giới thiệu cho công việc làm thêm. Rồi mình sinh viên, chỉ đi xe máy, mà mùa đông Nagaoka rất khắc nghiệt, tuyết bắt đầu rơi từ tháng 10 đến tận tháng 3 năm sau, nên khi nào anh chị đi siêu thị, họ lại gọi tôi lên xe đi cùng.

Rồi 4 năm đại học, tôi may mắn ở trọ nhà bà cụ. Bà già lắm rồi, khi ấy có khi bà phải hơn 80 tuổi. Bà ở 1 mình, cũng chẳng thấy con cháu nào cả. Thành ra bà hay nói chuyện với tôi. Đi học về, chào bà 1 câu, thỉnh thoảng nấu món ăn Việt Nam thì vẫn mời bà, dù tôi biết là tay nghề nấu ăn của tôi khá tệ. Vậy nên bà rất quý tôi, bà còn cho tôi mượn 1 mảnh vườn bé bé để trồng rau ăn. Thỉnh thoảng bà còn thuê tôi đi bán hàng hộ bà.


Tuy nhiên, chuyện học hành của tôi khá tệ.

Sinh viên tư phí, nên không có học bổng, không được giảm học phí, nên tôi phải đi làm thêm 2 việc cùng lúc để lo chuyện tiền nong. Ngày đó, thứ 2 đến thứ 6 sẽ làm ở quán 四六時中, từ 19h đến 22h. Rồi T7, CN sẽ làm cả ngày ở chỗ tổ chức tiệc cưới. Thành ra thời gian học hành không có. Nhưng lý do chính, là tôi không có hứng thú với việc học hành này.

Năm 1, năm 2 toàn học toán lý hóa, mấy môn khá chán, và cũng khá dễ nữa. Chỉ cần làm qua kakomon là cũng có thể qua môn. Rồi tiếng Nhật tôi không tốt, tôi vào trường với tâm lý tự ti, thất bại, thế nên cũng không mấy khi giao tiếp với các bạn bè người Nhật cùng lớp.

Chán học, học kém, lại đi làm thêm nhiều, nên không có học bổng. Cái vòng xoáy đi xuống ấy cứ bám lấy tôi mãi không dứt.

Đến cuối năm 2, tôi cũng không nhớ là do cơ duyên gì, nhưng tôi thấy mình không thể cứ sống, cứ học không có mục đích mãi như vậy được.

Và tôi phải làm điều gì đó để thay đổi số phận.


Tôi mất mấy ngày để nghĩ xem mình phải làm gì. Tôi nghĩ về thế mạnh của bản thân, rằng mình giỏi gì, mình phải làm gì để sử dụng cái việc mà mình giỏi nhất ấy ? May mắn cho tôi, là tôi cũng có 1 tia hi vọng.

Tôi nghĩ rằng mình có khả năng nhất là về thuật toán và lập trình. Nhưng tiết học lập trình ở trường rất ít và nhàm chán. Và tôi nghĩ đến, tham gia các cuộc thi lập trình. Ngày đó, tôi tìm thấy cuộc thi ACM ICPC, cuộc thi lập trình giữa các trường đại học trên thế giới.

Trường Nagaoka là 1 trường nhỏ, nên trong lịch sử của trường, chưa bao giờ tham gia kì thi này. Mà kì thi này là kì thi đồng đội, phải có 3 người 1 đội. Tôi đã hỏi thầy giáo chủ nhiệm của mình. Nhưng trường Nagaoka không có đội nào như thế, nên tôi chỉ có thể tự tìm đồng đội khác của mình. Cuối cùng thầy lại giới thiệu tôi với thầy Takei. Thầy Takei chuyên về toán và thuật toán. Tôi đến gặp thầy, nói về dự định của mình. Và may mắn cho tôi, là thầy đã giúp. Thầy đã hỏi các bạn Nhật trong tiết toán của thầy, và tìm được 2 bạn nữa để cùng tham gia. Rồi thầy cũng cho bọn tôi mượn phòng lab của thầy để ngồi học và tập luyện với nhau.

Thành thực mà nói, kì thi ACM ICPC đó không phải là 1 thành công. Đội chúng tôi chỉ đứng thứ 2x, không được lọt vào top 20 đội để tham gia kì thi chung kết châu Á tại Tokyo.

Nhưng lại may mắn là chúng tôi có 1 suất đặc cách cho trường lần đầu tiên tham dự. Và trên chuyến tàu của số phận, tôi có mặt ở Tokyo, có kì 見学 ngắn ở Google Japan, DNA và 1 vài công ty IT lớn khác của Nhật.

Rồi cái đà ấy đưa tôi đến với 1 vài học bổng, đến với 学長表彰, đến với Yahoo! Japan, và tốt nghiệp bằng 1 kì thực tập rất bổ ích ở OKWave.


Bạn thấy đấy, đó là 1 loạt cơ duyên, 1 loạt sự may mắn mà đến giờ khi hồi tưởng lại, tôi vẫn phải cảm ơn số phận.

Mãi về sau này, tôi mới thấy đó là 1 lựa chọn thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nếu không có lựa chọn đó, chắc tôi đã không thể tốt nghiệp được rồi. Hoặc không tôi sẽ cố học nốt 4 năm đại học, với cái vòng xoáy luẩn quẩn của đi làm-học kém-không có học bổng-không có tiền, rồi tốt nghiệp với tâm lý tự ti.

Tôi đã vào đại học với tâm thế của kẻ thất bại, tôi đã mất 2 năm chỉ để dằn vặt bản thân, rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh, rồi chán ghét chính ngôi trường của mình.

Chỉ khi tôi tỉnh ngộ, rằng cuộc đời này thật vô nghĩa nếu mình cứ đổ lỗi cho người khác, nếu mình không đủ dũng cảm để thay đổi hoàn cảnh. Rằng tôi vẫn rất may mắn với những người bạn, những người anh em xung quanh, với gia đình luôn yêu thương phía sau.

Tại thời điểm đó, con đường của tôi không rõ ràng, và cũng không kì vọng gì lớn lao. Tôi chỉ biết rằng mình phải làm gì đó để thay đổi. Tôi chỉ biết rằng mình phải tiến lên, cứ làm tới đi, rồi ra sao thì ra.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải đứng trước nhiều lựa chọn, nhiều rất nhiều những thất bại. Các em có thể đang học ở Bình Mỹ, chuẩn bị sang Nhật. Các em có thể là những sinh viên đang vật lộn với khó khăn giống như tôi ngày xưa. Và cũng có thể các bạn đã tốt nghiệp, đã bắt đầu công việc và sự nghiệp cho mình.

Nhưng dù là ai, dù ở thời điểm nào, chúng ta đều có những vấn đề cần phải giải quyết. Vậy nên, chúng ta không cầu mong cuộc đời mình sẽ không có khó khăn, mà chỉ cầu mong bản thân mình đủ mạnh mẽ, đủ nghị lực để đương đầu với sóng gió.

Tôi xin được kết thúc câu chuyện của mình bằng 1 câu nói rất thấm thía: “Nếu bạn ghét điều gì đó, hãy thay đổi nó. Nếu bạn không thể thay đổi nó, hay thay đổi thái độ của bạn. Đừng phàn nàn”.

Kính gửi tới Thầy Nguyễn Đức Hòe bằng tất cả sự tri ân của chúng con.

Kính gửi tới anh em Đông Du, những người đã khóc cười cùng nhau.

Hà Nội, 19/6/2021

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao lại phải viết ?

Kỷ Luật