Bàn về tiền bạc
Ngày xửa ngày xưa
có 1 bác thợ săn thật thà, tốt bụng, sống trong 1 ngôi làng sâu trong núi. Cuộc sống của bác rất bình yên, ngày ngày đi săn, hôm được con thỏ thì ăn thỏ, hôm được con nai thì đổi lấy ít lúa mì.
Một hôm, bác gặp 1 người bị lạc trong rừng. Bác liền cho người đó uống nước, ăn ít lương khô, rồi đưa người đó vào làng. Ngờ đâu, đó lại là vị vua của vương quốc, bị lạc trong lúc đi săn. Vị vua cảm kích lòng tốt của bác thợ săn, liền tặng cho bác 1 thỏi vàng rất lớn.
Bác thợ săn thành người bất hạnh.
Bác không dám để thỏi vàng ở nhà. Vì sợ khi đi săn, có kẻ trộm sẽ vào lấy của bác. Bác không dám mang theo người, vì sợ gặp phải kẻ tham lam, sẽ cướp của bác. Bác liền chôn thỏi vàng xuống đất, nhưng được mấy hôm, bác lại phải đào lên, kiểm tra xem thỏi vàng có ở đấy không.
Từ đó, bác sống trong sự lo âu, thấp thỏm đến cuối đời.
Lời khuyên của Đức Phật
dành cho Anathapindika, 1 người đàn ông giàu nứt đố đổ vách : “Người bám chấp vào sự giàu có thì tốt hơn nên bỏ nó đi thay vì cho phép nó đầu độc trái tim của anh ta; nhưng nếu anh ta không bám chấp vào sự giàu có, và có nhiều của cải, sử dụng chúng 1 cách đúng đắn, thì sẽ là phước lành cho những người xung quanh anh ta”.
Sự giàu có, tiền bạc là con dao 2 lưỡi.
Phần lớn mọi người sử dụng sự giàu có để đáp ứng 1 lối sống xa hoa, nhờ thế mà được mọi người nể phục. Nhưng cuộc sống xa hoa, là cách nhanh nhất để đánh mất khả năng tận hưởng vui thú trước những điều giản đơn.
Con người có 1 khả năng “đặc biệt”, là thích nghi với khoái lạc. Chúng ta không thể tận hưởng cùng 1 sự sung sướng trong thời gian dài. Chỉ sau 1 thời gian, chúng ta sẽ quen với nó, và thấy nó thật bình thường. Lúc đó, ta lại muốn 1 điều sung sướng hơn. Và khi không đạt được điều sung sướng hơn đó, thì sự-sung-sướng-hiện-tại lại là bất hạnh với họ.
Thế nên, hãy chỉ coi tiền bạc là hệ quả của 1 cuộc sống tốt đẹp. Ta tập trung vào làm thật tốt công việc của mình, ta đam mê, hạnh phúc với những gì mình làm. Mỉm cười khi thấy chương trình “Hello World” chạy thành công. Thoả mãn khi mỗi ngày đều có điều mới mẻ để học, để phát triển bản thân. Nếu làm được như thế, thì ta có thể sống hạnh phúc từng ngày, từng giờ. Và kì lạ, là ta sẽ giỏi hơn mỗi ngày, và rồi tiền bạc sẽ tìm đến với chúng ta 1 cách rất tự nhiên.
Nhưng hãy cẩn thận với những đồng tiền này. Hãy coi nó là công cụ, để ta có thể giúp đỡ mọi người. Dù có tiền, ta vẫn nên “giữ lối sống đơn giản - nhưng không phải khổ hạnh”. Hãy thận trọng, để tiền bạc là người phục vụ, chứ không phải là ông chủ của ta, để nó là hệ quả, chứ không phải là mục tiêu, để nó tồn tại tự nhiên chứ không bám chấp vào nó.
Để ta vẫn thấy niềm vui với những điều giản dị.